Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ, cảnh báo từ người mẹ trực tiếp trải qua!

triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là căn bệnh phổ biến, rất hay gặp của trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, đặc tính virut của bệnh tay chân miệng gần đây có những diễn biến phức tạp, gây ra nhiều di chứng cực kỳ nguy hiểm cho trẻ.
Hôm nay mình sẽ chia sẻ một câu chuyện có thật, từ một người mẹ đã chủ quan và phải trải qua những cung bậc cảm xúc lo lắng, thất vọng và hi vọng như thế nào khi chính đứa con của mình mắc phải bệnh tay chân miệng.

triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ
Triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ

TRẢI NGHIỆM KHỦNG KHIẾP NHẤT CUỘC ĐỜI
Tay chân miệng xin đừng xem thường!

Mình viết ra đây cuộc chiến chống lại bệnh tay chân miệng của KanKan để lưu lại sau này cho con đọc và hy vọng những chia sẻ của mình giúp được bạn bè có con nhỏ một phần nào đó.

Diễn biến:
Ngày 26/9: Phát hiện nốt đỏ dưới chân
Ngày 27/9: Con sốt nhẹ
Ngày 28/9: Nốt đỏ nhiều hơn, miệng lở, xác định bị tay chân miệng, cho nghỉ học
Ngày 29/9: Con bỏ ăn, sáng đi khám ở bệnh viện lần 2, vẫn còn nhẹ và điều trị ở nhà. KanKan bị 2 lần rồi nên mình nghĩ lần này cũng như những lần trước.

Chiều 4h thấy ko ổn, cho con nhập viện BV Hoàn Mỹ. Đến 8h tối con ngủ, mẹ cũng định nhắm mắt thì thấy con RÙNG MÌNH.
Không tin vào mắt mình, kêu chồng ngồi dậy trông con chung thì con RÙNG MÌNH thật mạnh lần 2 chỉ sau 5ph. Lật đật gọi bác sĩ. Bác sĩ chạy qua và may mắn chứng kiến tận mắt con RÙNG MÌNH lần 3. Vì sao mình nói là may mắn? Sẽ nói sau.

Dịch năm nay, bệnh đông và nặng hơn gấp 5 lần năm ngoái. Virus đã có biến thể nên bệnh nặng, diễn tiến nhanh. BV Hoàn Mỹ gấp rút làm hồ sơ chuyển viện lên Nhi Đồng 2, và hành trình gian khổ bắt đầu….

Vào đến Nhi Đồng 2 mới hiểu dịch bệnh là thế nào. Người lớn con nít nằm xếp lớp như cá mòi từ trong ra ngoài, ko có lối đi, ko có không khí để thở, tưởng tượng mưa gió tạt vào hành lang thì tất cả đều ướt. Nhìn mà muốn tru di cửu tộc mấy ông mấy bà tham nhũng nghìn tỷ, xây tượng đài nghìn tỷ.

Và ko suy nghĩ nhiều, 2 vợ chồng quyết định bắt taxi lên BV Nhi Đồng Thành Phố ở Long An trong đêm. Đến nơi là 1h sáng, và con đã GIẬT MÌNH vài lần trong khi đi. Lấy máu xét nghiệm ko được vì con loét miệng, bỏ ăn bỏ uống, máu quá đặc, dùng tay bóp chắt chiu từng giọt, mà sau cũng ko đủ phải lấy lần 2.

Vì con GIẬT MÌNH với sự chứng kiến của nhân viên y tế nên bác sĩ cấp cứu cho uống liền 1 viên phenol an thần bảo vệ não mà ko cần tốn thời gian quan sát thêm. May mắn mình nói là vậy!

Bệnh tay chân miệng do virus, ko có thuốc trị, cách duy nhất là uống an thần bảo vệ não không cho virus xâm nhập. Nhưng rất tiếc KanKan không đáp ứng thuốc, con vẫn quấy, giật mình, tim đập nhanh dù ko sốt. Và con bị chuyển xuống phòng cấp cứu ngay lập tức để truyền liều mạnh hơn.

Xong bao nhiêu màn drama đè con lấy máu lấy ven, bác sĩ tư vấn.. Ở giai đoạn này tay chân miệng độ 2B con đã có thể bị tổn thương não, hô hấp và nội tạng. Nếu con tiếp tục không đáp ứng thuốc thì dùng thuốc đặc trị hơn nữa, 5tr/ liều, có thể phải truyền ống thở, lọc máu & nằm như thực vật (bé giường kế bên). Và khi tỉnh dậy cũng có thể còn di chứng.

Nghe xong, mình chỉ có thể lặng lẽ vào toilet khóc một trận…

Vào phòng cấp cứu rồi mới hiểu thế nào là địa ngục trần gian. Phòng có 7 giường, 3 giường là viêm màng não, 4 giường Tay chân miệng.
Các ca viêm màng não, bé nằm mấy tháng trời, sống thực vật, ko biết gì, máy móc dây nhợ khắp người, có tỉnh dậy thì não cũng chỉ còn 3-4 phần, nhìn xót xa khủng khiếp và giận vì tất cả đều do không tiêm vacxin. Mấy mẹ anti vacxin làm ơn vô đây chơi vài tiếng xem thử ra ngoài còn mạnh miệng không!

KanKan sau khi truyền thuốc thì nằm mê man, nhưng số cao liên tục. Đây là giai đoạn quyết định, người chăm em phải quan sát liên tục 24/24:
– Đo nhiệt độ hậu môn mỗi tiếng
– Lau mát người khi sốt cao
– Xem em có giật mình không
– Quan sát mọi cử chỉ như mẹ mình phát hiện KanKan quéo tay quéo chân khi ngủ, là dấu hiệu biến chứng thần kinh và báo bác sĩ ngay lập tức.

bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Điều đáng sợ nhất của bệnh này là biến chứng:
– Viêm màng não, tất cả các bé bị tay chân miệng vào phòng cấp cứu đều bị xâm lấn động mạch, truyền thuốc đặc trị, chọc tủy và phát hiện viêm màng não
– Biến chứng thần kinh hoặc ảnh hưởng tứ chi: đây là nỗi sợ lớn nhất của mình. Sau vài ngày tạm ổn thì con tỉnh lại, nhưng mắt lừ đừ, và giác quan người mẹ cho mình biết con không phải Kankan ngày xưa, có điều gì đấy rất lạ. Và đúng như mình đoán, tối ngủ không có thuốc con co giật, mắt trợn ngược và cắn lưỡi 3-4 lần.

Bởi vậy, điều quan trọng nhất ở đây là QUAN SÁT, QUAN SÁT 24/7, KHÔNG ĐƯỢC RỜI MẮT, ĐẶC BIỆT KHI CON NGỦ. Nếu đêm đó mình ngủ thì ko biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Thứ 2 là khi con ngưng thuốc phải quan sát khả năng nhận thức, tri giác, và hoạt động của tứ chi. Có bé quá nặng, khi tỉnh lại ko thể bước đi…

Kankan cũng vậy, đã có những giây phút cả gia đình tuyệt vọng, chỉ biết cầu cứu Trời Phật và cuối cùng may mắn, KanKan đã trở về toàn vẹn.

Lời cuối dành cho các gia đình đang có con nhỏ, TUYỆT ĐỐI KO ĐẾN NƠI CÔNG CỘNG, KHÔNG ĐI NHÀ TRẺ THỜI ĐIỂM PHÁT BỆNH VÌ DỊCH BỆNH THẬT SỰ RẤT LỚN. Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố xa xôi ở Long An cũng đã quá tải, nằm hành lang la liệt, cấp cứu 2 bé 1 giường rồi. Và khi có dấu hiệu nên đến bệnh viện ngay, không tự chữa trị ở nhà.

@KanKan: Thôi! Ba Mẹ chẳng mong con là hoa hậu bác sĩ nữa, chỉ cần con mạnh khỏe là được. Mẹ yêu con, con là nguồn sống của mẹ! Con phải nhớ, con trở lại mạnh khỏe là nhờ sự cố gắng của ông bà, cô chú, bác sĩ, y tá và cha mẹ. Phải biết nâng niu, giữ gìn thân thể này và sống thật tốt

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ rất phổ biến, chính vì vậy mà nhiều gia đình thường chủ quan. Tuy nhiên, hiện nay virut chân tay miệng có những biến thể rất nguy hiểm, gây ra nhiều di chứng nặng nề cho cuộc đời của con. Hi vọng từ câu chuyện rất thực tế này, các bố mẹ sẽ có kinh nghiệm và nghiêm túc hơn khi con mắc phải bệnh tay chân miệng. Và cách tốt nhất là giữ cho bé luôn sạch sẽ, rửa tay chân thường xuyên, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *